Kinh tế

Thị trường chứng khoán và … chính bản thân mình.

Muốn sống sót trên thị trường chứng khoán thì phải hiểu rõ hai ‘đối thủ’’: Thị trường chứng khoán và … chính bản thân mình.

Bất cứ ai thận trọng thâm nhập vào thị trường chứng khoán theo thứ tự (bắt đầu thực tập từ chứng khoán ảo, “thử lửa” qua những cuộc thi, rồi mới khoát áo chiến chinh nhập cuộc nhảy vào thị trường mua bán chứng khoán thật) đều công nhận rằng mua bán chứng khoán ảo dễ thành công hơn là mua bán thật sự.

Mua bán chứng khoán ảo là một hình thức chào hàng (marketing) của những công ty trung gian để kiếm thân chủ mới. Họ cho phép khách hàng mua bán với số tiền không có thật, tạo cho những người khách này cái cảm giác chủ quan rằng khách có thể dễ dàng kiểm soát được thị trường, mua bán có lời, và điều này thúc đẩy khách hàng quyết định lao vào thị trường chứng khoán thật sự, trở thành thân chủ của họ.

Vì chứng khoán ảo là một hình thức ‘‘mồi chài’’ nên các công ty trung gian thiết lập hình thức mua bán đơn giản, dễ hiểu và hạn chế những phiền phức (không tính cước phí giao dịch, cho phép mua bán số lượng cổ phiếu không có thật trên thị trường…)

Nhưng tài khoản ảo vẫn có lợi cho những người tập tành mua bán chứng khoán vì họ trắc nghiệm được một điều: Không thành công trong chứng khoán ảo thì chưa thể mua bán ở thị trường chứng khoán.

Theo quy luật tự nhiên, không thể giải bài toán khó khi còn chưa có khả năng làm những phép tính dễ, cho nên ít ai thất bại với một môi trường đã được đơn-giản-hóa mà có thể đạt được thành công trên thị trường chứng khoán thật (khi người tham gia phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp hơn).

Một yếu tố quan trọng nữa làm cho chứng khoán ảo dễ thành công là chính chúng ta đã lừa dối chúng ta; không tự đặt mình vào hoàn cảnh mua bán chứng khoán ảo như là …thật, nên thường phấn khởi vui mừng khi thành công nhưng không thật sự hụt hẫng, đau đớn khi thất bại.

Muốn buôn bán chứng khoán «sắc nét » cần có một thái độ tỉnh táo gần như vô cảm với những thành bại của chính mình.

Nhưng người mới bắt đầu mua bán chứng khoán thật không thể bình tĩnh chấp nhận sự thắng bại một cách thản nhiên như khi mua bán chứng khoán ảo, hay là như “cao thủ” đã dày dạn trong nghề. Trong những giai đoạn theo dõi, mua, chờ hay bán cổ phần thì những người này đều bị căng thẳng tinh thần (stress).

Căng thẳng tinh thần vừa là một hiện tượng vừa tâm lý (bồn chồn, khó chịu…) vừa là một hiện tương sinh học (mất ngủ, biếng ăn, lười suy nghĩ, viêm bao tử…). Khi con người phải chịu đựng, phải đối đầu với một nghịch cảnh mà họ không thể giải quyết hay trốn chạy, thì sau một thời gian sẽ bị căng thẳng tinh thần.

Các chuyên gia tâm lý nhận thấy rằng khi con người bị căng thẳng tinh thần ở mức tương đối cao thì họ không giải quyết những vấn đề trước mắt với đầu óc khách quan nữa, mà phản ứng theo bản tánh cá nhân.

Một điều cần để ý nữa là bản tánh của từng người. Không chỉ riêng trong đời sống hàng ngày, ngay trên thị trường chứng khoán, bản tánh thái quá dễ làm người mua bán vấp phải những quyết định tai hại.

Trong con đường rèn luyện để trở thành một “cao thủ”, người tập tành mua bán phải hiểu rõ thị trường mà họ đang chú ý, sau đó họ phải hiểu rõ phản ứng của họ khi mua bán chứng khoán. Khi hiểu rõ ràng hai lãnh vực này rồi thì họ mới biết đúc kết được những chiến lược phù hợp. Khi «biết người biết ta» rồi thì họ mới hy vọng thành công được.

Sau đây là hai trường hợp trong những bản tánh thái quá để người tập tành mua bán tham khảo và sữa đổi những lỗi lầm, hạn chế sự lỗ lã.

Tâm trạng quá lạc quan.

Trong những cuộc thống kê, người ta hỏi câu hỏi:

Bạn cho bạn là người lái xe tốt hơn hay là tệ hơn người lái xe trung bình? Và 90% người Thụy Điển, 95 % người Anh lại trả lời rằng họ lái xe giỏi hơn người lái xe trung bình. Khi theo lẽ đương nhiên, phải có khoảng chừng 50 % tốt hơn và 50% tệ hơn.

Đây cũng là một tâm trạng mà phái mạnh vướng phải nhiều hơn phụ nữ, họ lao vào thị trường chứng khoán với cảm giác rằng chỉ có thể thắng và… thắng mà thôi. Sự tự tin thái quá đưa đến những hiện tượng là không dành đủ thời gian để theo dõi, phân tích thị trường kỷ càng, tin vào sự may mắn của mình và mua bán bằng trực giác nhiều hơn là bằng những cách phân tích tốn nhiều thời gian hay những lời khuyên của các chuyên gia. Sau đây là những đặc điểm để nhận diện loại người háo thắng này và cũng là những nguy cơ đưa họ vào một sự “tự tử tài chánh”:

  • Mới vào thị trường chứng khoán mà muốn ‘‘chơi to đánh lớn’’ ngay.
  • Muốn mua bán những kiểu mua bán phức tạp như future, warrant, option mà không qua những giai đoạn chuyển tiếp như mua bán cổ phần, trái phiếu…
  • Dồn hết vốn liếng vào một phi vụ mua bán duy nhất và khi họ thắng thì họ lại góp tiền gốc cộng với tiền lời vào phi vụ kế tiếp.
    Họ là những người từng vay nợ để kinh doanh, cá độ…và cũng đang mượn nợ để mua bán chứng khoán.
  • Là những người mua bán chứng khoán rất mau lẹ, nhiều khi chỉ cần nghe một tin tức hay một tin đồn là quyết định mua bán ngay mà không thận trọng đi qua giai đoạn kiểm chứng.

Phân tích:

Muốn mua bán chứng khoán phải có hai điều kiện: Tiền bạc và thời gian.

Nguyên tắc vàng của đầu tư chứng khoán là số tiền đầu tư đó phải là số tiền không cần đến trong một thời gian dài. Nếu người nào không chấp nhận điều này, dùng số tiền mà họ cần sinh hoạt hàng ngày hay vay mượn thì họ sẽ tự đưa họ vào một thế bất lợi có phản ứng dây chuyền, nhanh chóng đưa đến sự hao hụt tài chánh.

Vì cần phải rút tiền vốn, hay tiền lời ra sau khi mua bán trên thị trường, người mới tập sự bắt buộc phải mua bán và phải thành công. Đó là một sai lầm căn bản. Ngoài sự hiểu biết về sự vận hành, những lý thuyết nghịch lý của thị trường chứng khoán. Họ cần phải hiểu biết sở đoản lẩn sở trường của bản thân.

Nếu họ nhập cuộc chơi vào lúc thị trường đang lên, dù không cần nhiều kiến thức, những người này vẫn kiếm được tiền. Nhưng sự hiểu biết nông cạn về thị trường cộng với những khiếm khuyết của bản thân đang là những quả bom nổ chậm tiềm ẩn, chỉ chờ cơ hội là bùng nổ.

Khi lúc thị trường xuống, những người này vẫn tiếp tục mua bán với cường độ cao. Vì đối với họ, đã thành công trong quá khứ thì cũng sẽ thành công trong tương lai. Dù cho họ ý thức rằng thị trường đang xuống đi chăng nữa thì họ cũng rán tìm những cổ phần đi ngược xu hướng, hay mua những cổ phần đang xuống giá, ao ước nó phất trở lại.

Có một lý do ít nói đến là những người này bị triệu chứng nghiện chứng khoán: Cần và phải mua bán chứng khoán nếu không sẽ bị … hụt hẫng !!!

Trong sự khảo sát cho công ty trung gian Mỹ, Barber & Odean đưa kết quả rằng những người đầu tư mua bán thường xuyên nhất cũng là những người kiếm được lợi nhuận nhất ! Khi họ thua đậm là cũng là lúc họ càng cay cú, sát phạt lớn, bị hao hụt tài chánh và từ giả sàn chứng khoán cũng chánh vóng như lúc lao vào.

Để sữa chữa những khiếm khuyết do cá tánh quá lạc quan gây ra, người mua bán nên:

Phải ghi chép những thành công lẫn thất bại, lý do, tâm lý lúc mua bán v.v… người háo thắng không nên thống kê sự thắng lợi của mình vì nếu làm vậy thì lần sau họ sẽ cố gắng thắng nhiều hơn, họ sẽ chấp nhận nhiều nguy hiểm hơn là cần thiết. Nhiều người tin tưởng rằng họ có thể kiểm soát được thị trường, biết nó lên hay xuống trong tương lai gần. Điều này là một trong những sai lầm căn bản nhất của người bị triệu chứng quá lạc quan.

Thị trường chứng khoán là một …chiến trường, và cũng như chiến trường, chúng ta có thể quyết định chấp nhận một trận đánh bằng cách chấp nhận mở màn một phi vụ mua bán. Nhưng chúng ta sẽ không quyết định được sự kết thúc của nó theo ý muốn.

Trong lúc ước đoán, quyết định mua, chờ và bán cổ phần đều có những biến chuyển của thị trường mà chúng ta không kiểm soát được, cho nên chúng ta không thể quyết định ‘‘dùm’’ cổ phần sẽ lên đến bao nhiêu rồi chúng ta mới rút ra.

So sánh mức tăng tưởng của tài khoản mình với sự tăng tưởng của thị trường để quyết định có nên tự quản lý nữa hay thôi. Và cũng để xem xét lại ‘‘tài ba’’ của mình, bởi vì khi thị trường tăng 20-30 % trong vài ba tháng thì ai ai cũng dễ có lời!!!

Phải tự nhủ rằng những nhà đầu tư một thời gian trung bình đến dài hạn mới là những người có lợi nhuận lớn lao nhất.
Cần so sánh nhiều nguồn tin tức khác nhau, và cũng cần kết bạn với vài người đầu tư để tự nhắc nhau những điều thiếu sót.
Trong thời kỳ thị trường đi xuống, nếu không bán khống được, thì không mua bán gì cả cũng vẫn là … một hình thức mua bán.

Tâm trạng bi quan.

Nhiều người thâm nhập và từ bỏ thị trường chứng khoán bắt đầu từ lạc quan rồi dần dần đi đến bi quan. Họ phạm phải những lỗi lầm căn bản rồi mất dần dần tài sản, niềm tin và ý chí phấn đấu để tu bổ những khuyết điểm của bản thân rồi bỏ cuộc.

Khi người lạc quan thua quá nhiều lần trên thị trường chứng khoán, hay những người có cá tánh bẫm sinh hình dung sự việc theo hướng xấu nhất, bi thảm hóa vấn đề, nhạy cảm với những phiền toái nhỏ nhặt trong đời sống… đều rơi vào một trạng thái trái ngược lại là bi quan.

Là một tâm trạng rất phổ biến trong trên thị trường chứng khoán. Những người mang tâm trạng này sợ nguy hiểm, sợ mất mát và sợ phải tiếc nuối.

Trong mặt tâm lý, với một số tiền thắng và thua tương đương nhau, làm cho tài chánh của họ quân bình thì người bi quan lúc nào cũng cảm thấy mất mát nhiều hơn !!!!

Vì sợ nguy hiễm, họ không dám quyết định mua vào và một khi mua vào rồi thì có lời chút đỉnh thì họ lại bán ra ngay đưa đến hậu quả là giữ những cổ phần đang xuống nhiều hơn là những cổ phần đang lên.

Trạng thái này cũng làm người mua bán bị ‘‘lép vế ’’đưa đến hậu quả dây chuyền khiến cho họ bán cổ phần đang lời và giữ cổ phần đang …lỗ.  (Trái ngược với nguyên tắc là bán cổ phần lỗ, giữ cổ phần lời).

Trong tiềm thức của họ cho rằng bán những cổ phần bị lỗ ít hay nhiều gì cũng có nghĩa là thất bại.

Sợ thua thì họ không dám bán khi bị lỗ ít. Và khi bị lỗ quá nhiều, họ lại sợ nếu bán cổ phần đi thì cổ phần này lên trở lại, họ sẽ nuối tiếc cho nên họ cứ chờ mãi.

Nói đến chứng khoán, nhiều người liên tưởng ngay đến những gia tài kếch xù, những phi vụ mua bán ngoạn mục, hay cảnh ngồi phe phẩy bên bờ đại dương vừa nhìn biển và vừa ra lệnh mua bán hàng triệu đô -la qua laptop… Nhưng người sống được nhờ chứng khoán đều hiểu rằng họ phải trả một giá rất đắt để biết khi nào nên mua bán.

Có nhiều người rất thành công trong chứng khoán phải ngừng mua bán trong một thời gian dài tại vì họ không chịu nỗi áp lực liên quan đến tâm lý, sức khỏe, quan hệ gia đình…

Mua bán trên thị trường chứng khoán mà một công việc dài hơi, muốn thành công mau lẹ thì phải có những bước đi thật … chậm. Người mới tập sự mua bán chứng khoán phải nhắm đến phi vụ mua bán từ trung bình đến dài hạn. Vì chỉ có những phi vụ loại này mới cho họ đủ thời gian khám phá ra những cổ phần nên mua, tìm ra nguyên nhân giải thích được sự lên xuống của nó, học hỏi và áp dụng cho công việc mua bán trong tương lai.

Càng hiểu biết về thị trường và bản thân, thì họ mới có thể tự cho phép mình rút ngắn giai đoạn mua bán. Nhưng mua bán ngắn hạn không phải là mục đích mà người mua bán sành sõi phải bắt buộc nhắm đến. Nhiều day trader thành công cũng chỉ thu được 10% lợi nhuận cho việc mua bán trong ngày. 80 % còn lại là họ mua bán với một thời gian lâu hơn. Và cũng có rất nhiều người như Warren Buffet, không biết gì về vi tính, vẫn có thể trở thành tỷ phú với phương pháp mua bán dài hạn.

Ngược lại, người mua bán chứng khoán ngắn hạn bắt buộc phải quyết định trong một thời gian ngắn hơn. Họ phải chấp nhận thất bại từ 2-4 lần trong … 10 vụ mua bán. Cộng vào đó, có quá nhiều yếu tố làm thị trường giao động không có lý do hẳn hoi, đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế và những lời ước đoán của những nhà phân tích tài chánh. Người mới tập dượt không có thể có những phản ứng cần thiết để chụp những cơ hội hay vỏn vẹn là bảo tồn tài chánh của mình.

Bình luận về bài viết này